Phải nói rằng: Sự nhiệt huyết, đam mê, yêu thích với ngành nghề phải đến từ chính các bạn, chính từ sự lựa chọn của các bạn. Vì không có một ngành nghề nào có thể làm nếu không có sự yêu thích và đam mê nhất định” nên trong hoạt động dạy học của mình, trường THPT Kon Tum luôn chú trọng đến công tác giáo dục hướng nghiệp cho các em học sinh. Và ngành Y là một trong những ngành mà hằng năm được nhà trường quan tâm nhất.
Với đặc thù là ngành chăm sóc sức khỏe con người vì thế người học ngoài kiến thức cần có lòng nhân ái, có tâm với nghề để sẻ chia cùng nỗi đau và mất mát của bệnh nhân nên năm nào trường cũng có 1 đến 2 lớp ban B nhằm rèn kiến thức, rèn luyện kỹ năng, đạo đức, thúc đẩy sự nhiệt huyết, tinh thần đam mê, yêu thích của học sinh nhà trường đến với ngành Y.
Nhân dịp 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ban Hướng nghiệp trường THPT Kon Tum xin giới thiệu đến các em học sinh và phụ huynh nhà trường bức thư của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955:
Cách đây 69 năm, ngày 27/02/1955 chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một lá thư chia sẻ đôi lời góp ý kiến gửi đến cán bộ ngành Y tế với mong muốn ngành Y tế nước ta càng vững mạnh, phát triển. Và đây cũng là sự kiện đánh dấu ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nêu:
1. Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc.
Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
2. Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
3. Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta.
Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: Khoa học dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.”
Với ý nghĩa sâu sắc của bức thư này nên ngày 6 tháng 2 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã đưa ra quyết định ngày 27 tháng 2 hàng năm là "Ngày Thầy thuốc Việt Nam" nhằm nêu cao trách nhiệm và tài trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm đó trở đi, ngày 27 tháng 2 được xem là ngày tôn vinh các y, bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành Y tế tại Việt Nam.
Đây là ngày có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với mỗi con người Việt Nam, để mọi người dân thể hiện sự kính trọng, sự biết ơn của mình đến các y, bác sĩ, những người đã dành hết sức lực và tài trí để cống hiến cho nước nhà. Ngày Thầy thuốc Việt Nam cũng là ngày mà để các y, bác sĩ cùng những người làm trong ngành y tế nhắc nhở bản thân nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh, xem nỗi đau của bệnh nhân như của chính mình như lời chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời có dạy: "Lương y như từ mẫu”.